Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã đóng điện thành công, đưa vào vận hành Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối. Đây là công trình trạm và lưới 220kV đầu tiên do SPC thực hiện và cũng lần đầu tiên sử dụng hệ thống SCADA để đóng điện vận hành từ xa.
Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 được khởi công tháng 6/2016, có tổng mức đầu tư 309 tỷ đồng. Dự án có quy mô lắp đặt 2 MBA 220kV công suất (2 x 250) MVA (giai đoạn này lắp 1 MBA 250MVA); 2 MBA 110kV công suất (2 x 63) MVA (giai đoạn này lắp 1 MBA 63 MVA); 7 ngăn lộ 220kV (giai đoạn này lắp 4 ngăn); 12 ngăn lộ 110kV (giai đoạn này lắp 7 ngăn). Bên cạnh đó là lắp đặt mới hệ thống điều khiển, hệ thống phòng cháy chữa cháy và bảo vệ toàn bộ trạm; lắp đặt mới hệ thống SCADA phục vụ thu thập dữ liệu giám sát, điều khiển từ xa theo yêu cầu của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam và dự trù cổng kết nối về Trung tâm điều độ SPC.
Trạm biến áp Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối sẽ đáp ứng nhu cầu phụ tải tại Vùng 1 và Vùng 3 của tỉnh An Giang trong những năm tới.
Việc đưa vào vận hành dự án sẽ đáp ứng phụ tải Vùng 1 và Vùng 3 của tỉnh An Giang. Trong đó, Vùng phụ tải 1 bao gồm TP. Long Xuyên, các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và các khu công nghiệp Vàm Cống, Hòa Bình, Bình Long. Trung tâm phụ tải là TP. Long Xuyên. Đây là vùng có mật độ dân cư cao, công nghiệp phát triển mạnh, là vùng có nhiều khu công nghiệp được quy hoạch sẽ phát triển mạnh trong những năm tới.
Còn với vùng phụ tải 3 gồm 4 huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Thị xã Tân Châu, An Phú, khu công nghiệp Hội An và 3 khu kinh tế cửa khẩu: Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và Vĩnh Xương.
Ngoài ra, công trình Trạm biến áp 220kV Long Xuyên 2 và đường dây đấu nối còn giải quyết việc đấu nối rẽ giữa đường dây 110kV Long Xuyên – Ngã 3 Lộ Tẻ – Thoại Sơn với đường dây 110kV Long Xuyên – Châu Đốc, giúp cho việc vận hành lưới điện khu vực này linh hoạt, tăng độ tin cậy cung cấp điện.
ĐÌNH HOÀNG
(nangluongvietnam)
(LHC – EEMC sưu tầm và hiệu chỉnh ảnh)